Độ tuổi thích hợp để bắt đầu học piano
Các em nhỏ nên bắt đầu học các khóa học piano trong khoảng từ 5 đến 8 tuổi hoặc sớm hơn. Nếu trẻ có năng khiếu và khả năng tập trung tốt thì nên bắt đầu học sớm nhất có thể. Nhiều trung tâm đào tạo piano như Emi thường bắt đầu mở lớp cho các em từ 5 tuổi trở lên và đào tạo trong 2 năm trước khi các em học khóa học piano nâng cao.
Những em nhỏ tầm 5 tuổi thường có khả năng tiếp thu tốt hơn những em ở độ tuổi lớn hơn. Trong khi đó, trẻ từ 7 đến 8 tuổi thường sẵn sàng ngồi nguyên một chỗ, có sự tập trung nhất định và tay của các em cũng đủ rộng để chạm được vào các phím đàn. Khi lên 8, các em phát triển khả năng ghi nhớ, kỹ năng tư duy trừu tượng và điều này rất cần thiết cho việc đọc nốt nhạc.
Mỗi trẻ sẽ có những đặc điểm và tài năng khác nhau. Độ tuổi phù hợp để bắt đầu học piano chỉ mang tính tương đối và có thể áp dụng được với hầu hết các em nhỏ. Tuy nhiên, trẻ hoàn toàn có thể bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn tùy năng lực của mỗi em.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng để học piano
Bên cạnh độ tuổi thì có một số những yếu tố dễ nhận biết cho thấy trẻ đã sẵn sàng để học piano mà cha mẹ nên cân nhắc:
1. Cỡ tay và khả năng điều khiển cơ
Các em nhỏ thường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển tới các phím, đặc biệt khi đánh từ quãng 8 trở lên. Hơn nữa, piano đòi hỏi người chơi có khả năng điều khiển các ngón tay một cách độc lập và trẻ càng nhỏ thì càng khó điều khiển nhiều bộ phận cùng một lúc. Tuy nhiên nếu luyện tập chăm chỉ, trẻ hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này.
2. Khả năng tập trung
Học piano đòi hỏi tính kỷ luật cao. Để có thể tập trung cao độ và chú ý trong xuyên suốt thời gian học đàn là một thử thách lớn với trẻ nhỏ. Ví dụ, các em nhỏ tầm 3 đến 4 tuổi mới đầu thường rất tò mò về piano. Tuy nhiên, trong một buổi học tại trung tâm đào tạo piano, trẻ cần phải tập trung trong khoảng 30 phút với nhiều các hoạt động khác nhau. Dần dần các em sẽ mất đi sự hứng thú ban đầu. Nếu trẻ có thể tập trung trong suốt khoảng thời gian đó mà không bị xao nhãng, nhiều khả năng trẻ đã sẵn sàng để học piano.
3. Có thể đọc và đếm số cơ bản
Biết cách đọc bản nhạc là yêu cầu tối thiểu với người chơi piano. Thường sẽ rất khó để trẻ có thể vừa đọc nhạc vừa di chuyển tay và chân đúng nhịp. Để dễ dàng hơn cho những người mới tập chơi piano, các ngón tay sẽ được quy định như sau: ngón cái là ngón số 1, ngón trỏ số 2, ngón giữa số 3, ngón áp út số 4 và ngón út số 5. Tương tự, 7 nốt nhạc cơ bản cũng được quy định theo chữ cái từ nốt Đô là C, Rê là D, Mi là E, Fa là F, Son là G, La là A và Si là B.
Việc phân chia như trên sẽ giúp việc học và ghi nhớ phím đàn dễ dàng hơn. Trẻ nhỏ nên biết đọc bảng chữ cái và đếm số cơ bản để không gặp quá nhiều khó khăn khi làm quen với đàn. Để việc học sau này dễ dàng hơn, trung tâm đào tạo piano Emi tập trung giúp các em nhỏ làm quen với đàn, điều chỉnh tư thế chơi và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu ngay từ năm thứ nhất của khóa học.
4. Có động lực và mong muốn chơi đàn
Các em nhỏ hứng thú và động lực học tập sẽ có thể tiến bộ nhanh hơn những em nhỏ không yêu thích âm nhạc hay piano. Những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể sẽ yêu thích việc học piano:
- Chủ động khám phá khi nhìn thấy piano
- Thích thú và bị hấp dẫn khi nhìn thấy người khác chơi piano
- Hỏi những câu hỏi liên quan đến piano
- Thể hiện sự yêu thích với âm nhạc, thích nhảy, hát hoặc giả vờ chơi các loại nhạc cụ
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, nếu các em ngay từ đầu đã không thích thì việc bắt chúng phải tập luyện mỗi ngày sẽ không đem lại kết quả gì. Piano không phải tất cả. Phụ huynh có thể cân nhắc cho trẻ học những loại nhạc cụ khác hoặc cho trẻ tham gia một hoạt động nghệ thuật hoặc thể thao mà các em cảm thấy hứng thú hơn.
5. Phân biệt được bên trái và bên phải
Piano đòi hỏi người chơi phải sử dụng cả hai tay độc lập cùng một lúc. Nếu trẻ chưa thể phân biệt được tay trái và tay phải thì có lẽ vẫn còn quá sớm để trẻ bắt đầu học piano.
6. Sẵn sàng làm theo chỉ dẫn
Tự học piano không phải điều dễ dàng vì vậy các em nên tham gia các khóa học tại trung tâm đào tạo piano dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, không phải em nhỏ nào cũng sẵn sàng lắng nghe và làm theo yêu cầu của giáo viên. Điều này có thể khiến hiệu quả của quá trình học tập không cao và giáo viên nên có cách tiếp cận khác đối với trẻ.
Khả năng học piano theo độ tuổi
1. Từ 3 đến 4 tuổi
Ở độ tuổi này, đa số trẻ chưa sẵn sàng để học piano vì cơ thể chưa thực sự phát triển, đặc biệt là tay và chân. Việc tập trung và làm theo chỉ dẫn cũng có phần khó khăn hơn. Thay vì vội vàng để trẻ đi học piano, phụ huynh có thể cân nhắc để trẻ sớm tiếp xúc với âm nhạc qua các bài hát, bản nhạc để nuôi dưỡng tình yêu của các em với nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn có thể bắt đầu học từ năm 3 tuổi nếu có năng khiếu về nghệ thuật và đam mê âm nhạc. Trên thế giới các nghệ sĩ piano nổi tiếng như Mozart hay Lang Lang đều bắt đầu học piano khi mới chỉ 3, 4 tuổi.
2. Từ 5 đến 6 tuổi
Đây là thời điểm mà những dấu hiệu trên được thể hiện rõ ràng hơn. 5 tuổi có thể là độ tuổi thích hợp học piano nếu trẻ thể hiện sự quan tâm và có mong muốn được học. Trẻ có thể gặp khó khăn ở một giai đoạn nào đó trong quá trình học tập. Nhưng sẽ rất nhanh, các em có thể làm quen và trở nên thuần thục hơn.
3. Từ 7 đến 8 tuổi
Trong độ tuổi này, trẻ đã phát triển tương đối hoàn thiện và có thể đã sẵn sàng để học piano. Hơn nữa các em thường thể hiện sự độc lập học những điều mới và rèn luyện kỹ năng.
4. 9 tuổi trở lên
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học một loại nhạc cụ nào đó. Trẻ càng lớn càng có khả năng tư duy tốt hơn, cơ thể cũng dần hoàn thiện. Tuy nhiên trẻ sẽ có ít thời gian dành cho việc học piano hơn và điều này có thể gây xao nhãng trong quá trình học trên lớp, đặc biệt là khi các em bước vào trung học.
Lược dịch từ: schoolofrock.com và verypiano.com