Skip to content
Tư vấn
Ép trẻ luyện tập piano: Nên hay không?
12/10/20238 lượt đọc

Ép trẻ luyện tập piano: Nên hay không?

Kỷ luật tích cực và kiên trì luyện tập là hai yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng chơi piano của trẻ. Nhưng ép trẻ tập piano khi các em không mong muốn liệu có đem lại hiệu quả? 

Lý do trẻ không muốn luyện tập

1. Do phải chơi những bản nhạc các em không thích

Trẻ nhỏ thường có tâm lý mau chán, nhanh từ bỏ, đặc biệt là khi chơi những bản nhạc các em không thích, các em lại càng khó để tập trung. Cách để các em cảm thấy hứng thú với bài học đó là được chơi những gì các em thích. Nếu các em được chơi bản nhạc yêu thích thì việc rèn tính kỷ luật khi học piano sẽ đơn giản và hiệu quả hơn việc chỉ luyện tập mỗi ngày theo yêu cầu của giáo viên. Khi phụ huynh cảm thấy trẻ tỏ ra chán nản với việc học piano thì có thể đề xuất thay đổi bản nhạc khác phù hợp với nguyện vọng của trẻ. 

Trẻ sẽ không muốn luyện đàn nếu phải liên tục chơi bản nhạc các em không thích
Trẻ sẽ không muốn luyện đàn nếu phải liên tục chơi bản nhạc các em không thích

2. Do kỳ vọng quá cao 

Không chỉ phụ huynh mà ngay cả bản thân một số em nhỏ cũng sẽ có những kỳ vọng cao hơn thực lực của các em. Học nhạc cụ là cả một quá trình mà chắc chắn các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu trẻ không có tài năng âm nhạc bẩm sinh thì thời gian học không thể nhanh chóng trong vài tháng, vài năm. Do đó, trẻ có thể cảm thấy nản chí vì không đạt được những kỳ vọng đã đặt ra. Dần dần việc học piano sẽ trở thành áp lực và trẻ không còn động lực để luyện tập. Trong những trường hợp như thế, phụ huynh nên dành thời gian để nói chuyện và không nên đặt kỳ vọng quá cao lên trẻ.  

3. Do trẻ còn ngại, chưa tự tin

Đối với những em nhỏ có tính cách nhút nhát, việc luyện tập piano tại nhà có thể trở thành nỗi sợ. Các em sẽ tìm mọi cách để trốn tránh việc chơi đàn hoặc cảm thấy không thoải mái khi có người thân ở xung quanh. Trong một số trường hợp, trẻ thể hiện tốt dưới sự hướng dẫn của giáo viên tại trung tâm đào tạo piano nhưng lại gặp khó khăn khi tự học tại nhà. Khi các em không đủ tự tin thì sẽ có xu hướng bỏ luyện tập thay vì cố gắng chơi đến cùng.

Để có thể giúp các em cảm thấy thoải mái hơn với việc luyện tập, phụ huynh có thể đầu tư cho trẻ những chiếc đàn piano điện hoặc organ. Đàn điện tử có thể sử dụng tai nghe, các em sẽ không còn phải lo lắng việc người khác sẽ nghe thấy tiếng đàn. Trong thời gian đầu trẻ luyện tập, cha mẹ cũng nên dành cho trẻ không gian riêng tư để các em cảm thấy thoải mái nhất có thể. 

4. Do trẻ có mong muốn thực hiện những hoạt động khác

Trẻ học piano cần dành thời gian để luyện tập thường xuyên. Bên cạnh thời gian học tại trung tâm đào tạo piano, trẻ vẫn nên dành ít nhất 30 phút để tự luyện tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác, các em có thể gặp khó khăn trong việc phân bổ thời gian cho việc luyện tập. Trong trường hợp học piano không phải ưu tiên hàng đầu của các em, phụ huynh cũng không cần phải bắt trẻ phải luyện tập. Trẻ nên có thời gian dành cho các hoạt động mà các em yêu thích hơn.

5. Do piano không phải nhạc cụ yêu thích 

Nếu trẻ học tại trung tâm dạy piano nhưng không có hứng thú thì có thể là bởi piano không phải là nhạc cụ yêu thích của các em. Tuy âm nhạc và các bộ môn nghệ thuật khác có nhiều lợi ích đến sự phát triển của trẻ nhưng không nên coi việc học các môn năng khiếu là bắt buộc. Khi trẻ đã không muốn, sẽ rất khó để các em tiếp tục theo đuổi nó. 

Không phải em nhỏ nào cũng thích học piano
Không phải em nhỏ nào cũng thích học piano

Có nên ép trẻ luyện tập piano không?

Ép trẻ luyện tập piano hay bất kỳ nhạc cụ nào là hành động phụ huynh nên tránh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những lời động viên tích cực sẽ giúp trẻ tiến bộ nhanh hơn các hành động tiêu cực như thúc giục và ép buộc. Cha mẹ cũng không nên khuyến khích con cái bằng cách thưởng cho các em món đồ yêu thích mỗi lần luyện tập piano. Ban đầu phương pháp ấy có thể đem lại hiệu quả. Nhưng về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của trẻ. 

Làm thế nào để khuyến khích trẻ luyện tập piano?

Tuy nhiên, nếu không luyện tập piano thường xuyên thì sẽ không đạt được kết quả gì. Như vậy những buổi học tại trung tâm đào tạo piano hay học gia sư sẽ trở nên vô ích. Ép buộc trẻ luyện tập chắc chắn không phải giải pháp trong tình huống này. Thay vào đó, phụ huynh có thể tham khảo một số phương pháp có thể giúp trẻ hứng thú hơn với luyện piano tại nhà:

1. Khiến việc luyện tập trở nên thú vị hơn

Luyện tập piano theo cách truyền thống có thể gây nhàm chán cho trẻ nhỏ. Những buổi tập tại trung tâm đào tạo piano đã cung cấp cho trẻ rất nhiều tri thức cần thiết. Luyện tập thêm ở nhà không cần thiết phải quá nghiêm túc và áp lực. Trẻ có thể học đàn qua các trò chơi âm nhạc. Có nhiều ứng dụng trên điện thoại cho phép trẻ vừa học vừa chơi, giúp trẻ phát triển các kỹ năng như đọc bản nhạc, luyện nghe, luyện ngón…

2. Khen ngợi những nỗ lực của trẻ

Theo nghiên cứu “Lời khen ngợi về trí tuệ có thể làm giảm động lực và hiệu suất học tập của trẻ em” của Carol Dweck, các em nhỏ được người lớn khen ngợi về tài năng và trí tuệ thường có xu hướng lựa chọn những công việc dễ dàng vì có mong muốn đạt được thành tích cao. Sau khi gặp thất bại, các em sẽ cảm thấy bản thân mình kém cỏi và không còn hứng thú với công việc đó nữa. Mặt khác, nếu trẻ nhận được lời khen ngợi về những nỗ lực và sự chăm chỉ, các em sẽ cảm thấy được khuyến khích để thực hiện những nhiệm vụ mang tính thử thách cao và sẽ nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu. Bằng cách khen ngợi sự cố gắng và nỗ lực của trẻ, cha mẹ và giáo viên có thể giúp các em hiểu được giá trị của việc luyện tập.

3. Tạo một thời gian biểu

Trẻ nhỏ thường nhạy cảm với sự thay đổi của thời gian biểu. Bởi vậy, các em dễ thích nghi và hình thành thói quen nếu luyện piano được cố định vào một thời gian cụ thể mỗi ngày. Thời gian luyện tập của trẻ có thể được tùy chọn theo khả năng và mong muốn của các em. Các em có thể tập trước hoặc sau khi đến trường. Điều quan trọng là giúp trẻ hình thành thói quen qua việc đặt thời gian biểu. Để trẻ quyết định thời gian luyện piano giúp trẻ cảm thấy việc luyện tập là quyết định của các em, không phải sự áp đặt của phụ huynh. 

4. Nhấn mạnh những lợi ích lâu dài của việc luyện tập piano

Trẻ nhỏ thường không nghĩ đến những kết quả, lợi ích lâu dài. Vì vậy, cha mẹ và giáo viên nên chỉ ra và lấy ví dụ cho trẻ về những lợi ích các em đạt được nếu luyện tập chăm chỉ. Phụ huynh có thể cùng trẻ đến các buổi hòa nhạc hoặc để trẻ xem các video phần trình diễn của các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Bằng cách đó, trẻ có thể hiểu thêm về piano và cảm thấy có động lực để nỗ lực hơn.

5. Nên biết khi nào thì dừng lại

Phụ huynh nên nói chuyện với trẻ về cảm xúc của các em trong mỗi buổi luyện đàn. Có thể các em cảm thấy mệt mỏi vì không có sự tiến bộ hoặc không thích những gì các em được học, hay không còn hứng thú với piano nữa. Trong những trường hợp như vậy, thay vì cố gắng khuyến khích các em tiếp tục, phụ huynh nên cho trẻ dừng lại. Suy nghĩ của trẻ nhỏ rất dễ thay đổi và sẽ khó để các em yêu thích một hoạt động trong thời gian dài. Dừng lại là việc nên làm nhưng cha mẹ cũng nên hỏi trẻ về thời điểm thích hợp các em muốn luyện tập trở lại. 

Tổng hợp từ: nolaschoolofmusic.comburgerchords.com

5/5 (3 bầu chọn)