1. Tạo cho trẻ một môi trường âm nhạc
Nếu trẻ được lớn lên trong môi trường âm nhạc, dần dần các em sẽ có sự nhạy bén và yêu thích với chúng. Những bản nhạc có giai điệu sôi động và vui vẻ sẽ được trẻ yêu thích hơn nhưng cũng cần để các em nghe nhạc cổ điển, nhạc truyền thống… Cha mẹ nên cố gắng để con cái tiếp xúc với càng đa dạng thể loại nhạc càng tốt.
2. Để trẻ tiếp xúc sớm với piano
Trẻ nhỏ có xu hướng chấp nhận những thứ mà chúng thường tiếp xúc và sẽ thường sợ hãi trước những gì hoàn toàn mới. Để có thể chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy hứng thú ngay khi bắt đầu khóa học piano, phụ huynh nên để trẻ tiếp xúc với piano nhiều nhất có thể.
Cách tốt nhất để có thể thực hiện điều này là mua một chiếc piano. Piano cần rất nhiều thời gian để học. Vì vậy thời gian học tại trung tâm đào tạo piano có thể là không đủ. Nếu cha mẹ muốn con nghiêm túc với việc học đàn thì nên đầu tư cho con một chiếc piano ngay từ đầu.
3. Tìm hiểu về thói quen học tập của trẻ
Một trong những việc phụ huynh nên làm trước khi cho con tham gia một khóa học piano là hiểu rõ về sở thích và khả năng của trẻ. Ví dụ:
- Có những em thích học theo một tiến trình cụ thể và bắt đầu từ việc học nhạc lý và đọc nhạc.
- Số ít trẻ có năng khiếu bẩm sinh, đặc biệt là trong nghệ thuật.
- Hoặc trẻ có khả năng nghe, cảm âm tốt và có thể hình dung ra bài hát mà không cần đọc bản nhạc.
Việc hiểu rõ về năng lực của trẻ sẽ giúp cha mẹ tìm giáo viên hoặc các trung tâm dạy piano dễ dàng và phù hợp hơn. Mặc dù nhạc lý cơ bản là yếu tố bắt buộc với người chơi piano, còn nhiều yếu tố có thể được xem xét trước như: chọn thể loại nhạc (cổ điển hay hiện đại),hình thức học (học một kèm một hay học theo nhóm)...
4. Tầm quan trọng của học tự do
Học tự do là phương pháp học dựa vào sở thích và năng lực cá nhân, việc học sẽ diễn ra một cách tự nhiên mà không có sự hướng dẫn. Ở phương pháp học này, người học cơ bản sẽ thử và thất bại rồi tự rút ra kinh nghiệm cho lần sau.
Các khóa học piano là điều bắt buộc nếu muốn trẻ chơi đúng kỹ thuật. Nhưng chúng ta thường quên rằng phương pháp học tự do cũng sẽ đem lại nhiều hiệu quả và cơ hội để thực sự “chơi”, sáng tạo.
Với trẻ còn nhỏ, phương pháp học tự do có thể bắt đầu bằng những trò chơi nhịp điệu. Các em lớn hơn có thể bắt đầu học về nốt nhạc, hợp âm…
5. Cùng trẻ xem các buổi biểu diễn piano
Xem biểu diễn piano không nhất thiết phải trực tiếp đến các buổi hòa nhạc. Ngay trên mạng internet cũng có thể tìm kiếm rất nhiều phần biểu diễn piano khác nhau ở mọi độ tuổi. Xem những nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi piano có ảnh hưởng tích cực đến cả người mới học và người học lâu năm. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được cách chơi piano cơ bản nhất và làm thế nào để có thể biểu diễn trước nhiều khán giả. Với một số trường hợp, xem những buổi biểu diễn piano có thể là bước đầu truyền cảm hứng chơi nhạc trong trẻ.
6. Chắc chắn rằng trẻ đã sẵn sàng
Để có thể bắt đầu học piano, trẻ cần phải có đủ năng lực cả về thể chất và tinh thần. Kích cỡ bàn tay, lực ngón tay, khả năng tập trung và sự hứng thú với đàn là những yếu tố cần đặc biệt quan tâm.
Độ tuổi phù hợp nhất để bắt đầu học piano là từ 5 đến 8 tuổi bởi khi đó cơ thể trẻ đã phát triển đủ để đáp ứng những yêu cầu của việc học piano. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bắt đầu sớm hay muộn hơn, tùy thuộc vào khả năng của từng người.
7. Luyện tập trước các bài tập đòi hỏi dùng cả hai tay
Một trong những yêu cầu khó nhất khi học piano là phải phối hợp giữa các giác quan và bộ phận trên cơ thể (tay, chân…). Khi chơi piano, người chơi phải điều khiển hai tay và chân một cách riêng biệt, thậm chí với nhịp điệu khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo sự thống nhất và chính xác từng nhịp.
Hầu như hoạt động nào đòi hỏi trẻ phải sử dụng cả hai tay đều có thể giúp ích cho việc học piano sau này.
8. Sẵn sàng cùng trẻ luyện tập
Trẻ thường mong muốn nhận được sự động viên từ người lớn, đặc biệt là những lúc gặp khó khăn. Vì thế, cha mẹ nên đảm bảo rằng có thời gian dành cho việc học của trẻ hoặc có thể cùng con học đàn. Cha mẹ không nhất thiết phải hiểu về piano mới có thể đồng hành cùng con. Sự có mặt của cha mẹ sẽ giúp trẻ có động lực học hơn, đồng thời tạo sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
9. Tìm hiểu trước về trung tâm đào tạo piano
Năng lực của mỗi trẻ là khác nhau nên sự lựa chọn trung tâm và khóa học cụ thể sẽ khác nhau. Việc quyết định chọn một trung tâm với đội ngũ giáo viên giảng dạy chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chơi piano của trẻ về sau.
Lược dịch từ: hoffmanacademy.com và cooperpiano.com